Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009
BÁC SỸ HOẠT XIN TRẢ LỜI BỆNH GOUT CHO MỘT NGƯỜI BẠN
HELLO MY FRIEND!
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người ngày một nâng cao, vì vậy nhu cầu ăn ngon, măc đẹp và giải trí càng được chú trọng nhiều hơn. Cũng chính những nhu cầu ấy đã vô tình góp phần thúc đẩy nhiều bệnh lý như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, gout,…xuất hiện nhiều hơn.
I-Định nghĩa:
•Gút là tình trạng lắng đọng tinh thể acid uric (do sự gia tăng quá mức acid uric trong máu) ở các mô trong cơ thể như: các tổ chức trong và ngoài khớp gây viêm khớp, ở thận gây sỏi thận và dần dần sẽ dẫn đến suy thận.
•Acid uric là sản phẩm phân hủy purine (phần lớn có trong thức ăn).
II-Các yếu tố nguy cơ:
• Thường gặp ở nam tuổi từ 30 trở lên, ít gặp ở nữ (thường gặp sau tuổi mãn kinh) và hiếm gặp ở trẻ em
• Người béo phì, đặc biệt là ở người trẻ quá cân
• Uống rượu, bia nhiều
• Một số loại thuốc: lợi tiểu Thiazide, Aspirin liều thấp, Niacin, Cyclosporin, thuốc kháng lao (đặc biệt là Pyrazinamide và Ethambutol)
• Ngoài ra, có một số yếu tố là nguyên nhân khởi phát cơn Gút cấp như: sốt, ăn quá nhiều, uống rượu nhiều, phẫu thuật hay chấn thương ở khớp.
III-Triệu chứng của bệnh Gút:
•Sưng, nóng, đỏ, đau khớp đốt bàn ngón chân cái là vị trí thường gặp nhất của cơn Gút cấp. Ngoài ra có thể gặp ở các khớp khác như gối, cổ chân, cổ tay, ngón tay, khớp khuỷu…
•Người bệnh thường đau đến mức không chịu nỗi dù chỉ là va chạm nhẹ nhất. Và tình trạng đau có thể giảm trong vài giờ sau đó mà đôi khi không cần dùng thuốc, điều này dễ làm cho người bệnh dễ bỏ qua, không đến bệnh viện khám.
•Sốt có thể có trong đợt viêm khớp cấp.
•Ở những trường hợp Gút mạn: có thể gặp các nốt u cục (tophi) ở ngón tay, khuỷu tay, ngón chân cái hoặc bất kỳ nơi nào trong cơ thể. Nốt tophi: sờ chắc, không đau, đôi khi bị dò rỉ chảy dịch trắng đục như sữa.
IV-Chẩn đoán:
• Không phải ai có acid uric trong máu tăng đều bị Gút và ngược lại, có khoảng 30% người bệnh bị Gút mà không có tăng acid uric trong máu (trong vài ngày đầu).
• Vì vậy, chẩn đoán xác định Gút cần phải dựa vào tiêu chuẩn sau: tìm thấy tinh thể monosodium urat trong dịch khớp hoặc chọc hút nốt tophi.
• Và cũng không phải trường hợp nào cũng có thể tìm thấy tinh thể monosodium urat trong dịch khớp, khi đó để gợi ý chẩn đoán Gút cần dựa vào tam chứng sau (Wallace SL. et al,1977):
o Tăng acid uric máu >7mg/dl (#420 micromol/l) (acid uric máu có thể trong giới hạn bình thường trong vài ngày đầu của cơn viêm cấp).
o Viêm khớp bàn ngón chân thứ 1 thường đáp ứng tốt với Colchicine trong vòng 48giờ và không viêm khớp khác trong ít nhất 1 tuần.
o Tiền căn có viêm cấp một khớp.
V-Điều trị:
• Các thuốc điều trị Gút:
Colchicine là lựa chọn hàng đầu
NSAIDs dùng khi kém dung nạp với Colchicine.
Thuốc làm giảm urate: Allopurinol (Zyloric, Milurit…)
Thuốc thải acid uric khỏi cơ thể (Probenecid, Sulfinpyrazone, Benzbromarone,…) dùng khi người kém dung nạp với Allopurinol.
• Các biện pháp ngoài thuốc:
Kiềm hóa nước tiểu bằng chế độ ăn ( ăn nhiều rau xanh, uống nước khoáng, nước sắc lá Xakê…)
Cữ rượu, bia
Tránh gắng sức, lạnh, chấn thương, stress, nhiễm trùng,...
Hạn chế ăn các thức ăn có nhiều purine như: tim, gan, thận, óc, hột vịt lộn, đồ lòng, đồ biển, cá mòi, mỡ động vật, bắp cải…
Giảm cân nặng
Điều trị các bệnh kèm theo (nếu có) như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh mạch vành…
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Bài viết rất rõ ràng và chi tiết, thể hiện sự am hiểu về căn bệnh này. Hy vọng BS sẽ tiếp tục có những bài trả lời tương tự như thế này để giúp đỡ cộng đồng.
Tuy nhiên trên Blog không thấy chỗ nào để đặt câu hỏi, cần thêm vào phần đó ngay phía trên nhằm tạo thuận lợi cho người liên hệ.
Thân
Đăng nhận xét