Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2009

BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN

1 -Bệnh Viêm não Nhật Bản là gì?
Viêm não Nhật Bản do vi rút gây ra qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Bệnh có ở châu Á, các đảo Thái Bình Dương và miền Bắc nước Úc. Viêm não Nhật Bản chiếm phần lớn viêm não do vi rút, trong năm 2001 gây ra tử vong khoảng 15.000 trường hợp trong đó hầu hết là trẻ em. Trong 10 năm gần đây nhiều vụ dịch viêm não Nhật Bản đã xẩy ra ở những vùng không phải là vùng lưu hành bệnh.
2- Viêm não Nhật Bản lây truyền như thế nào?
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh do muỗi truyền. Chim, súc vật nuôi đặc biệt là lợn và chim chân dài có thể là ổ chứa vi rút thường gặp. Muỗi đốt súc vật bị nhiễm và sau đó truyền bệnh khi đốt trẻ em.
Ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, tỉ lệ mắc bệnh cao nhất trong và ngay sau mùa mưa. Những người sống ở ngoại thành nhất là ở vùng trồng lúa nước có nguy cơ mắc bệnh cao.
3- Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh là gì?
Phần lớn các trường hợp bị nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản chỉ có những triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Trung bình cứ khoảng 300 người bị nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản thì có 1 người biểu hiện triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 14 ngày, bệnh khởi phát giống như cúm: sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ em có thể gặp đau bụng trong giai đoạn đầu của bệnh. Sau 3 hoặc 4 ngày trẻ có thể co giật, lơ mơ, hôn mê.
4- Biến chứng của bệnh là gì?
Khoảng 20% số trường hợp có thể tiến triển nặng dẫn tới tử vong. Tỷ lệ qua khỏi có di chứng não (liệt, rối loạn tâm thần) lên tới 30% đến 50%. Ở những vùng có bệnh lưu hành người ta nhận thấy 85% số trường hợp mắc bệnh là ở trẻ em dưới 15 tuổi.
5- Điều trị bệnh viêm não Nhật Bản?
Không có điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não Nhật Bản. Điều trị hỗ trợ được khuyến cáo. Kháng sinh không có tác dụng đối với vi rút viêm não Nhật Bản.
6- Phòng bệnh viêm não Nhật Bản như thế nào?
Tiêm chủng là cách quan trọng nhất để khống chế bệnh viêm não Nhật Bản.


CÁCH TIÊM PHÒNG VIÊM NÃO NHẬT BẢN B
1-Mũi 1 : lúc 12 tháng tuổi
2-Mũi 2 : 1-2 tuần sau mũi 1
3-Mũi 3 : 1 năm sau mũi 2
4-Mũi 4 : 3 năm sau mũi 3
Lưu ý :
-Trẻ em dưới 15 tuổi là nhóm trẻ dể mắc bệnh, nên có thể đưa trẻ đi tiêm ở trong độ tuổi này (nếu trước đó trẻ chưa được tiêm)

-Nếu tiêm trễ theo lịch quá 1 năm giữa các mũi nên tiêm lại từ đầu để đảm bảo kháng thể đủ để giúp cơ thể phòng ngừa bệnh.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

BAC SY CHO TUI HOI MOT CHUT NHE! VAY CO TUI NO 6 TUOI ROI THI CO CHINH NGUA VNNB B DUNG THEO QUY TRINH LA 4 MUI KHONG?