Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

BỆNH BẠCH HẦU


CHÀO CÁC BẠN BUỔI SÁNG !
HÔM NAY MÌNH XIN NÓI NGẮN GỌN VỀ BỆNH BẠCH HẦU, VÀ CHO CÁC BẠN THAM KHẢO CHỦ YẾU LÀ HÌNH ẢNH! KHI ĐI THỰC TẬP Ở BỆNH VIỆN NHIỂM CŨNG KHÓ GẶP ĐƯỢC BỆNH NHÂN CÓ HỌNG BẠCH HẦU ĐỂ CHÚNG TA CÓ THỂ BIẾT VÀ HÌNH DUNG ĐƯỢC, VÌ VẬY CHỈ CẦN NHÌN HÌNH CÁC BẠN CỦNG CÓ THỂ ẤN TƯỢNG ĐƯỢC TRONG ĐẦU ! VÀ SAU NÀY KHI NHÌN TRÊN BỆNH NHÂN CÁC BẠN CÓ THỂ NHẬN RA NGAY.
1 Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Trực khuẩn bạch hầu tiết ra độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Có 2 thể bệnh bạch hầu hay gặp: bạch hầu họng và bạch hầu thanh quản. Ở vùng nhiệt đới có thể gặp bạch hầu mũi, mắt, da.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở những trẻ không được tiêm chủng. Ở vùng khí hậu nhiệt đới bệnh thường gặp trong những tháng lạnh. Trong năm 2000 có khoảng 30.000 trường hợp mắc và 3000 trường hợp chết do bạch hầu đã được báo cáo trên toàn thế giới.
2 Bệnh bạch hầu lây truyền như thế nào?
Bệnh bạch hầu lây truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp. Nó có thể gây nhiễm trùng mũi họng dẫn đến khó thở và tử vong.
3 Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh là gì?
Bạch hầu thể họng, triệu chứng sớm nhất là viêm họng, chán ăn và sốt nhẹ. Trong vòng 2-3 ngày giả mạc trắng có màu ngà ở trong họng và lưỡi. Giả mạc bạch hầu có đặc điểm là dai, dính và dễ chảy máu nếu bóc giả mạc. Nếu có chảy máu, giả mạc có thể màu xám hoặc đen. Bệnh nhân có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 – 10 ngày. Bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể sưng cổ và làm hẹp đường thở.
4 Biến chứng của bệnh là gì?
Trong giai đoạn sớm của bệnh hoặc những tuần sau đó, bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp tim có thể gây suy tim. Một vài bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim sau nhiều năm bị bệnh tim mãn và suy tim. Biến chứng nguy hiểm nhất của bạch hầu là tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong.
5 Điều trị bệnh bạch hầu như thế nào?
Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và dùng kháng sinh như erythromycin hoặc penicillin và cần cách ly tránh lan truyền bệnh sang người khác. Cần nuôi cấy dịch họng để chẩn đoán. Bệnh nhân sẽ không còn khả năng lây lan sau 2 ngày điều trị kháng sinh thích hợp.
Để chẩn đoán xác định cần nuôi cấy bệnh phẩm từ họng của các trường hợp nghi ngờ. Tuy nhiên, cần bắt đầu điều trị ngay mà không đợi kết quả nuôi cấy.
6 Phòng bệnh bạch hầu như thế nào?
Cách hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu là duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trong cộng đồng. Ở hầu hết các nước, vắc xin giải độc tố bạch hầu được tiêm cùng với vắc xin ho gà và giải độc tố uốn ván ( vắc xin BH – HG - UV). Gần đây một số nước đã sử dụng vắc xin phối hợp gồm vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và đôi khi cả vắc xin Hib.
Sau mỗi khoảng thời gian 10 năm, cần tiêm nhắc lại vắc xin loại dùng cho người lớn là giải độc tố uốn ván - bạch hầu (Td) để duy trì khả năng miễn dịch.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH CẦN LƯU Ý :
-BỆNH BẠCH HẦU LÂY TRUYỀN TỪ NGƯỜI BỆNH SANG NGƯỜI LÀNH QUA GIỌT NƯỚC BỌT TRONG KHÔNG KHÍ.
-TRIỆU CHỨNG CHÍNH: VIÊM HỌNG, GIẢ MẠC TRẮNG, SỐT NHẸ VÀ BIẾNG ĂN, CÓ THỂ CÓ RỐI LOẠN NHỊP TIM, VIÊM CƠ TIM VÀ VAN TIM.
-ĐIỀU TRỊ BẰNG KHÁNG ĐỘC TỐ BẠCH CẨU VÀ KHÁNG SINH
-CÁCH PHÒNG BỆNH HIỆU QUẢ NHẤT LÀ TIÊM VACCIN BẠCH HẦU

Không có nhận xét nào: